10 su kien8020
CHUYÊN MỤC
GOOGLE MAP

Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ chính trị về Tăng cường, nâng cao hiệu qủa công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy

Thứ sáu - 10/04/2020 07:29
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
Số: 36-CT/TW Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2019
 
CHỈ THỊ
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY

      Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị khoá X về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống ma túy được nâng lên. Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy ngày càng được hoàn thiện. Công tác phòng, chống ma túy thu được những kết quả quan trọng. Công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy cơ bản được ngăn chặn. Hợp tác quốc tế về công tác này được tăng cường, mở rộng. Những kết quả đó góp phần thiết thực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, là một nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia. Ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước rất lớn, song chưa được ngăn chặn ngay từ khu vực biên giới. Nước ta đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, gây rối loạn tâm thần, khó kiểm soát; việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh niên, thiếu niên tăng nhanh, song chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục, ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác cai nghiện và hỗ trợ sau cai còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp. Tội phạm và tệ nạn ma túy có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Tình hình trên có nguyên nhân khách quan là do áp lực gia tăng của tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực. Song chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng tầm mức, thiếu sâu sát, kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý nhà nước. Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống ma túy còn hạn chế.
      Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quán triệt và thực hiện tốt các nội dung sau:
      1. Mục tiêu
      Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy. Xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ở trong nước. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Không để tái trồng cây có chất ma túy; kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, làm giảm số người nghiện ma túy mới. Quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, không để phát sinh tình hình phức tạp, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.
      2. Quan điểm chỉ đạo
      - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
      - Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
      - Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Coi trọng công tác cai nghiện tập trung và quản lý người nghiện ngoài xã hội không để gây ra các vụ phạm tội.
      - Đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Củng cố lực lượng chuyên trách đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.
      - Tội phạm và tệ nạn ma túy là vấn đề mang tính toàn cầu, do đó các chính sách phòng, chống ma túy phải đặt trong bối cảnh chung của khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động chung để giải quyết vấn đề ma túy; thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy.
      3. Nhiệm vụ, giải pháp
      3.1. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, trước hết là người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Hằng năm phải có chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo; định kỳ hàng tháng hoặc hằng quý, nghe báo cáo và cho ý kiến cụ thể về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình ma túy tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách. Lấy hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức đảng các địa phương hàng năm.
      Mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống ma túy; có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.
      Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy. Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; có chính sách đối với đối tượng tội phạm ma túy đầu thú; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong công tác lập hồ sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung; bổ sung kịp thời vào danh mục quản lý đối với những tiền chất, chất ma túy mới. Rà soát, khắc phục nhưng sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, nhất là quản lý biên giới, quản lý xuất nhập khẩu, quản lý tiền chất ma túy, quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý người nước ngoài cư trú và hoạt động tại Việt Nam... không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
      Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược phòng, chống ma túy cho giai đoạn tiếp theo, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi cao.
      3.2. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội, nhất là thanh thiếu niên về hiểm họa ma túy.  Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở. Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia phòng, chống ma túy.
      Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình hành động, tổ chức phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc" và các phong trào thi đua khác để xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy.
      3.3. Phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên trách, đặc biệt là vai trò chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy của lực lượng Công an nhân dân, chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Phân công trách nhiệm rõ ràng và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng công an, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển trong ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài đưa vào Việt Nam ngay từ khu vực biên giới. Thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy; triệt xóa các tụ điểm, điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (vũ trường, quán bar, quán karaoke, nhà nghỉ...). Điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các tội phạm về ma túy, triệt để thu hồi tài sản do phạm tội về ma túy mà có.
      Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trong nội địa. Kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy.
      3.4. Tổng kết, đánh giá toàn diện công tác cai nghiện ma túy để có sự điều chỉnh cho phù hợp theo hướng tập trung nguồn lực cho những hình thức cai nghiện có hiệu quả, chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai. Đánh giá chính xác tình hình người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, tập trung ngăn chặn sự gia tăng người nghiện mới. Có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nghiện ma túy, không để phát sinh tội phạm.
      3.5. Tăng cường các nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Tập trung củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống ma túy từ Trung ương tới cơ sở, bảo đảm đủ khả năng, điều kiện thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ. Hằng năm tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời tích cực tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế, huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân, bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
      Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư nguồn lực, trang thiết bị chuyên dụng cho công tác phòng, chống ma túy. Có chính sách động viên, hỗ trợ người có công, bị thương, bị phơi nhiễm HIV, thân nhân cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm ma túy.
      3.6. Tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy, trước hết là với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế. Thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế trong phòng, chống ma túy mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; phối hợp giữ vững lập trường chung của các nước ASEAN đối với vấn đề ma túy.
      3.7. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm từng lĩnh vực, chuyên đề về phòng, chống và kiểm soát ma túy, góp phần đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.
      4. Tổ chức thực hiện
      4.1. Các tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị này; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
      4.2. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy; tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát phòng, chống ma túy.
      4.3. Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì, phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
 Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương;
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương;
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Trần Quốc Vượng
 
Xem bản PDF
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

kh
LichCongTac
BOLAODONG
banner
CongThongTinQB
luatgtdb
hoctap
WEBSITE SỞ NGÀNH
LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay4,860
  • Tháng hiện tại25,513
  • Tổng lượt truy cập7,538,041
TRƯỜNG CAO ĐẲNG KỸ THUẬT CÔNG - NÔNG NGHIỆP QUẢNG BÌNH
Điện thoại: (0232) 3836140,  Fax: (0232).3839022
Địa chỉ: Số 01 - Trần Nhật Duật - Đức Ninh - Đồng Hới - Quảng Bình
Email: vanphong.ktcnnqb@gmail.com



 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây