10 su kien8020
CHUYÊN MỤC
GOOGLE MAP

Sáp nhập để phát triển

Chủ nhật - 19/04/2020 04:04
SÁP NHẬP ĐỂ PHÁT TRIỂN

     Ngày 3-3-2020, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định số 244/QĐ-LĐTBXH sáp nhập Trường trung cấp (TC) Kinh tế Quảng Bình vào Trường cao đẳng (CĐ) Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình. Việc sáp nhập này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp tinh gọn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tinh giản số lượng người làm việc, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu thực tiễn thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

      Hoàn thành sứ mệnh lịch sử

      Tháng 3-2020, Trường TC Kinh tế Quảng Bình tròn 42 năm xây dựng và phát triển. Với vai trò của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập của tỉnh, chuyên đào tạo về lĩnh vực kinh tế, kế toán-tài chính, Trường TC Kinh tế đã có những đóng góp không nhỏ trong việc cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo cho sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh và các vùng lân cận.
    
       Từ mái trường này, hơn 40.000 học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp và đã tham gia lao động, cống hiến trong các lĩnh vực KT-XH của địa phương và đất nước. Uy tín và tên tuổi của nhà trường trong đào tạo đội ngũ cán bộ tài chính-kế toán, quản lý kinh tế, du lịch, dịch vụ đã được xã hội thừa nhận. Nhà trường được Đảng, Nhà nước nhiều lần tặng thưởng các danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2013.
sapnhap1

Trường CĐ Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình tiếp tục nỗ lực là địa chỉ đào tạo nghề nghiệp tin cậy cho thanh niên và người lao động(Ảnh: Nội Hà/baoquangbinh.vn)

      Những năm qua, nhận thức rõ yêu cầu đòi hỏi của xã hội trong bối cảnh mới, Trường TC Kinh tế đã tích cực, chủ động thực hiện đổi mới một cách mạnh mẽ và từng bước vượt qua khó khăn, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; nhờ đó, đã xác lập và định vị được thương hiệu nhà trường trong lĩnh vực đào tạo nghề du lịch-dịch vụ. 
      
       Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, hệ thống GDNN nói chung và Trường TC Kinh tế nói riêng cần tiếp tục đổi mới một cách căn bản, toàn diện, nhằm đào tạo được nguồn lao động kỹ thuật có kỹ năng, chất lượng cao, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của khoa học-công nghệ và thị trường lao động, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, đất nước. Vì vậy, việc sáp nhập vào Trường CĐ Kỹ thuật Công-Nông nghiệp là 1 tất yếu để phát triển.  
 
      Sự cần thiết của việc sáp nhập

      GDNN có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Trước yêu cầu của CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải đổi mới căn bản, toàn diện GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã ban hành đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030", với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể.
 
      Trong đó, có giải pháp “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”: Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN theo lĩnh vực, theo ngành đào tạo, vùng, miền, địa phương phù hợp với chiến lược, quy hoạch nhân lực của đất nước, ngành, địa phương, khả năng đầu tư của Nhà nước, khả năng huy động nguồn lực của xã hội. Sáp nhập, giải thể các cơ sở công lập hoạt động không hiệu quả, bảo đảm hợp lý về cơ cấu trình độ đào tạo và ngành, nghề đào tạo.
 
      Đối với tỉnh Quảng Bình, những năm qua, các cơ sở GDNN đã có nhiều nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương và khu vực. Do nguồn lực tài chính của tỉnh còn hạn chế, việc phải đầu tư dàn trải cho nhiều cơ sở đào tạo sẽ dẫn đến tình trạng không đồng bộ, khó đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo của từng trường, hiệu quả thấp. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh trong tình hình hiện nay, việc tiến hành “rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN” theo tinh thần đề án của Bộ LĐ-TB và XH ban hành là cần thiết, phù hợp với xu thế khách quan và điều kiện thực tế của địa phương.
sapnhap2

Ngành quản trị du lịch và lữ hành là một trong những thế mạnh của Trường CĐ Kỹ thuật Công-Nông nghiệp khi sáp nhập.

      Do đó, việc sáp nhập Trường TC Kinh tế vào Trường CĐ Kỹ thuật Công-Nông nghiệp là cần thiết, tổ chức đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giảm bớt đầu mối, tinh gọn bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; tập trung được nguồn tuyển sinh, mở rộng quy mô đào tạo của trường sau khi sáp nhập; góp phần kiện toàn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế phù hợp với chủ trương hiện nay của Đảng và Nhà nước.

       Sáp nhập để phát triển...

      Ông Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công-Nông nghiệp chia sẻ, sau khi sáp nhập nhà trường tiếp tục mục tiêu đa dạng hóa các ngành học, bậc học theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng kỹ năng nghề... Nhà trường đang từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu để trở thành địa chỉ đào tạo nghề nghiệp tin cậy cho thanh niên và người lao động trong tỉnh và khu vực miền Trung. Hiện nhà trường đang tập trung xây dựng một số ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao ở cấp độ quốc gia, ASEAN và quốc tế.
 
      Cụ thể, đến năm 2021, theo mục tiêu đề ra, quy mô đào tạo các ngành, nghề tại trường là gần 6.000 HSSV; có 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia; xây dựng từ 1-2 nghề trọng điểm cấp độ ASEAN. Chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn thị trường lao động và hội nhập, có 85% HSSV ra trường có cơ hội tìm và tạo được việc làm.
 
      Với đội ngũ 227 cán bộ, giáo viên (3 tiến sỹ, 81 thạc sỹ, 95 đại học…) có kỹ năng tay nghề cao và kinh nghiệm giảng dạy lâu năm…, nên ngoài việc giữ nguyên các ngành, nghề truyền thống, nhà trường sẽ tập trung đầu tư 1 số nghề trọng điểm, thế mạnh, như: thú y, lâm sinh, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điều khiển điện tự động hóa, kỹ thuật chế biến món ăn, kế toán... Đồng thời, nhà trường bám sát định hướng và nhu cầu nhân lực phát triển KT-XH của tỉnh, nắm bắt nhu cầu thị trường lao động trong những năm tới để chuẩn bị các điều kiện mở thêm một số ngành, nghề: nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường biển, kỹ thuật chăm sóc sắc đẹp, quản trị du lịch dịch vụ và lữ hành.
 
      Đánh giá về hiệu quả KT-XH của đề án sáp nhập trường TC Kinh tế vào Trường CĐ Kỹ thuật Công-Nông nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật khẳng định: Đây là đề án phù hợp với chủ trương, nghị quyết Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập.
 
      Đồng thời, đề án sẽ quy hoạch lại mạng lưới GDNN, tập trung đầu tư cho cơ sở hoạt động GDNN có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển bền vững; cũng như sắp xếp tinh gọn bộ máy, nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
 
      Ông Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công-Nông nghiệp cho biết, ngày 19-3-2020, UBND tỉnh có Kế hoạch số 409/KH-UBND tổ chức thực hiện Quyết định số 244/QĐ-LĐTBXH, ngày 3-3-2020 của Bộ LĐ-TB và XH về việc sáp nhập Trường TC Kinh tế vào Trường CĐ Kỹ thuật Công-Nông nghiệp. Trong đó, giao Trường CĐ Kỹ thuật Công-Nông nghiệp chủ trì tổ chức công bố Quyết định của Bộ LĐ-TB và XH.  
       Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Bình cùng với cả nước thực hiện triệt để Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên nhà trường đã không tổ chức lễ công bố quyết định sáp nhập. Nhưng thời gian qua, nhà trường đã nỗ lực phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành việc giao nhận; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên..., bảo đảm nhà trường đi vào hoạt động dạy và học bình thường trước ngày 31-5-2020 theo kế hoạch giao của UBND tỉnh.

Nguồn tin: www.baoquangbinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

kh
LichCongTac
BOLAODONG
banner
CongThongTinQB
luatgtdb
hoctap
WEBSITE SỞ NGÀNH
LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay173,006
  • Tháng hiện tại446,741
  • Tổng lượt truy cập8,279,929
TRƯỜNG CAO ĐẲNG KỸ THUẬT CÔNG - NÔNG NGHIỆP QUẢNG BÌNH
Điện thoại: (0232) 3836140,  Fax: (0232).3839022
Địa chỉ: Số 01 - Trần Nhật Duật - Đức Ninh - Đồng Hới - Quảng Bình
Email: vanphong.ktcnnqb@gmail.com



 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây